Cá chọi, trong Nam gọi là cá đá, là một trò chơi trẻ nít gắn chặt với đám con trai lít nhít xóm tôi ngày xưa ở thành phố Nam Định. Xóm đó tên là Khu Tập Thể Liên Cơ Hùng Vương. Ngày nay tôi thấy trò chơi ấy đã gần như không còn tồn tại nữa. Những đứa trẻ chơi cá chọi trong xóm tôi ngày nào giờ đều đã lớn. Có khi còn có thể nói là già nữa. Lâu lâu có cơ hội gặp nhau nhậu nhẹt, nhắc tới đề tài cá chọi là mấy thằng già lại… râm ran… râm ran… nói cười hỉ hả. Ít cũng phải chừng nửa tiếng mới đổi đề tài khác. Lần nào cũng thế. Nhiều khi còn tranh nhau nói nữa, chả đứa nào chịu nhường nghe đứa nào. Thật là buồn cười.
Trong cái xóm cũ của tôi ấy, nói về cá chọi, chung quy chỉ có mấy điểm chính sau tôi tạm liệt kê thế này.
Mua cá:
Hồi đó thằng nào cũng giống thằng nào. Nghĩa là cũng đều… nghèo. Mua được con cá là phải tiết kiệm để dành ghê lắm. Có khi phải tiết kiệm để dành cả hai ba tháng. Đi bộ đi mua cá cũng thật xa thật xa. Vì thế thằng nào có cá cũng đều chăm cá rất kỹ: phơi nước, thả rong, bắt giun, luyện cá… Gặp nhau thì hay khoe cá. Tai nạn mà mất cá hoặc chết cá là tiếc than không ngủ cả mấy ngày trời. Tôi còn nhớ cá hồi đó tụi tôi chơi có mấy màu phổ thông: hồng, tím than, xanh đen, đen chì. Tôi thích màu tím than, vì khi cá chọi nhau, cá phình ve nổi màu lên rất đẹp.
Cho cá đi chọi:
Xóm tôi có mấy dãy nhà con nít chơi từng nhóm với nhau, tạm chia thành xóm trên, xóm giữa, xóm dưới. Cùng xóm thì đem cá bụp nhau thường xuyên. Nếu cáp độ thì thường mang cá tuyển lên xóm khác khiêu chiến. Cá độ bằng bi, dây thun hoặc… chính con cá.
Phải thú thực là tôi ở xóm giữa, hay mang cá lên xóm trên xóm dưới chọi nhau tới tụi nó và luôn luôn… thua nhiều hơn được. Ba cái nghề chơi, có lẽ tôi ít có hoa tay.
Các từ vựng đám nhóc tụi tôi hay xài khi chọi cá hồi đó là: ve, phình, bụp. “Ô… Ve kìa… Phình kìa… Bụp đi… Á…”
Ve là con cá cong người lên, cứng lưng lại, vây giương ra dọa nạt đối phương. Thường lúc ve thì màu thân cá, vảy cá, vây cá nổi lên long lanh, đẹp lắm. Phình là lúc con cá quay đầu hướng về đối phương, phùng mang ra, nhe nanh trợn mắt dọa đối phương. Bụp thì chỉ là… lao vô cắn. Rất thường xảy ra là lúc một con cá đang phình ve bất ngờ ngoắt lại… bụp luôn. Trận chiến hay là một con phình ve, con kia bụp, con này bụp lại luôn, bụp liên tục cho tới khi một con thân thể tang thương bỏ chạy. Còn mấy trận chiến cá cứ phình ve hoài mà không chịu bụp là tụi tôi không thích lắm.
Khi cho cá chọi nhau, tụi tôi hay bỏ hai con cá chiến đấu vô một cái thau nhỏ, cầm miếng kính chặn ở giữa, cho cá phình ve nhau qua kính một lúc cho cả hai con máu lên đã, rồi mới rút tấm kính ra cho chọi nhau. Cũng đôi khi thì thả cả hai con cá vô một cái lọ chung để chọi. Lần nào cũng vậy, chọi cá quy tụ bảy tám cái đầu con nít xúm lại xem, tấm tắc khen hay xuýt xoa tiếc rẻ theo từng đòn đánh của từng con cá. Cũng có nước mắt tuôn rơi đấy, khi bên thua cuộc đau khổ nhìn bên thắng cuộc đắc thắng cầm cả hai con cá ra đi. Cá độ thua thắng mất cá. Tôi hồi đó cũng thế, hình như cũng khóc một hai lần khi chọi thua và bị kẻ thắng cuộc mang con cá mình chăm sóc bao lâu đi mất. Sau này tôi sợ mất cá, chả bao giờ dám chọi thắng thua mất cá nữa. Tôi chưa ăn được cá của người khác lần nào.
Trong xóm lâu lâu cũng có những con cá nổi lên, vô địch tuyệt đối, xóm trên xóm dưới lao xao bàn về nó và chủ nhân của nó. Chủ nhân của nó thì hãnh diện, đi đứng nói chuyện mặt cứ vênh đơ. Nổi danh hệt như Ronaldo hay Messi trong làng bóng đá bây giờ vậy. Nhưng những thằng sở hữu cá vô địch mà không bản lĩnh máu mặt một chút, rất dễ bị… trấn cá.
Về kỹ thuật đánh của cá, cá chọi bụp nhau thường bụp vào đầu, vây, bụng và đuôi. Những con nào bụp vào đầu và mang vây đối phương thường hay thắng hơn những con bụp vào đuôi và bụng. Bụp vô đuôi và bụng rất dễ bị đối phương quay mình phản kích vô đầu và mang vây chính mình, đau hơn rất nhiều. Thường thì trúng chục đòn vô đuôi chả sao, nhưng trúng một hai đòn vô đầu hay vây mang là đau quá bỏ chạy. Cá biệt có một số trường hợp đối phương vừa mới phình ve đã chạy mất, kể cả những con cá rất chiến. Tôi một lần như thế. Con cá của tôi rất uých, chọi thắng hai trận hoành tráng vẻ vang liên tiếp. Trận thứ ba, vừa thấy đối phương phình ve đã… bỏ chạy. Sau có thằng bạn bảo: “Mày ngu quá. Cá chọi một trận xong phải dưỡng năm sáu ngày mới chọi trận nữa. Mày cho nó đánh hai trận liền, trận thứ ba nó không chạy mới là lạ. Còn làm hỏng con cá luôn rồi. Sau này nó cứ thấy đối phương là bỏ chạy.”
Kể ra thì hồi đó tôi ham chơi đua đòi nuôi cá với tụi bạn thôi, chứ trình chơi cá so với tụi nó đúng là còn… a-ma-tơ lắm lắm.
Nuôi và dưỡng cá:
Xóm tôi con nít hồi đó chủ yếu nuôi cá chọi bằng giun kim. Giun kiếm ở đâu ra? Đi… móc cống. Hồi đó mấy cái cống xóm tôi là ác mộng về độ dơ và mất vệ sinh, ám ảnh chúng tôi mãi tới sau này, khi đã lớn lên và đi xa cả rồi. Tả hơi mất vệ sinh chứ… cống đó từ khu nhà vệ sinh khu tập thể chảy ra, nhiều khi… phưn trôi… lổn ngổn.
Nhưng hồi đó đám con nít tụi tôi… vì nuôi cá… chả sợ gì hết. Thò tay lần mò xuống dòng nước cống đen xì tanh tưởi, móc lên cả bó giun đỏ đỏ nghoeo nguẩy. Bắt được giun bó là hú lên cười sung sướng. Rồi về lại phải rửa sạch giun cho hết bùn cống rồi mới cho cá ăn.
Cái cống dơ bẩn thế, nhưng lúc đi móc cống bắt giun nuôi cá thì tụi tôi chả đứa nào thấy cái cống dơ bẩn chút nào hết. Giờ đôi lúc nghĩ lại vẫn còn rùng mình.
Một đôi khi tụi tôi có thằng kiếm đâu được mấy cọng rong rêu, chia nhau bỏ vô lọ cá. Ngồi ngắm cá bơi qua bơi lại giữa mấy cọng rêu xanh, ngắm cả ngày không biết chán. Ái chà… thú vui tao nhã phết.
Tụi tôi cũng hiếm thằng nào có hai con cá cùng một lúc lắm. Thường mỗi thằng có một con là nhiều. Có khi hai ba thằng góp tiền mua chung, nuôi chung một con. Lúc mang cá đi khoe nhau thường tụi tôi đặt hai cái lọ thủy tinh sát cạnh nhau, ngắm hai con cá ve phình nhau chơi, và gọi là… dưỡng cá. Kể lại thật buồn cười. Có những con cá rất ngộ. Lúc dưỡng cá thì phình ve dữ lắm. Thấy mà ghê. Màu sắc trên thân và trên vây cứ… cuồn cuộn. Ấy thế nhưng… vừa bỏ vô lọ cho chọi nhau là lập tức… xỉn màu… rồi… bỏ chạy.
Lúc ở nhà một mình ngắm cá, tôi hay bỏ một mảnh gương vỡ vô lọ cá, ngắm con cá tự phình ve chính mình, cũng cảm thấy rất là thú vị.
Tôi chơi cá chọi hình tới tận hết những năm cấp Một. Sang cấp Hai thì không còn chơi trò này nữa. Lúc đó thì đã thích nói chuyện với các bạn gái xinh trong lớp hơn là nuôi cá rồi. Lúc đó với tôi thì… nuôi cá… là một trò… vô bổ.
Cái thời chọi cá ấy tính đến nay cũng đã gần bốn chục năm. Ký ức nhiều khi không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chỉ biết một điều chắc chắn là… những con cá chọi nhiều màu sắc và hung hăng hiếu chiến ngày ấy chính xác đúng là một phần gắn bó với tuổi thơ lứa con nít tụi tôi trong cái xóm nhỏ ngày ấy. Không đứa nào không bao giờ có thể quên được. Và tôi tin rằng, trò chơi cá chọi, chả phải một mình con nít xóm tôi thủa ấy, những “quý ông” thời nay tuổi cùng thế hệ tụi tôi, chắc hẳn phần nhiều… đều thế!
SG 07/10/2015
ST facebook -
Hoàng Tuấn Ngọc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét