Với tỷ lệ tán thành trên 84%, sáng 27/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. Quốc hội thống nhất giữ quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án chủ động nộp lại tối thiểu ¾ tài sản phạm tội và tích cực hợp tác phá án hoặc lập công lớn.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết, phần về Điều 40 - quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình nêu rõ, nhiều ý kiến tán thành quy định tại khoản 3 điều này (không tử hình phụ nữ có thai hoặc đang nuôi coin dưới 36 tháng tuổi; người từ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra tội phạm hoặc lập công lớn).
Cũng có ý kiến đề nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình với người từ đủ 75 tuổi trở lên nếu phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, tội phạm về ma túy. Về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước nên đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này.
Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định về miễn tử hình với tội phạm tham nhũng khắc phục tốt hậu quả. Ý kiến khác đề nghị xác định cụ thể tình tiết “chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra…” tại điểm c khoản này.
Với quy định mới, cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng có thể thoát tội chết nếu nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả hoặc lập công lớn, giúp mở rộng điều tra, phá án.
Với quy định mới, cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng có thể thoát tội chết nếu nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả hoặc lập công lớn, giúp mở rộng điều tra, phá án.
Những phiên thảo luận trước đó về nội dung này cũng nhận rất nhiều ý kiến trái nhiều. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như dư luận đã đặt vấn đề, “miễn” tử hình trong trường hợp này đồng nghĩa với việc có thể “dùng tiền để mua mạng sống”, người tham nhũng sẽ có tâm lý liều lĩnh, quyết liệt hơn vì dù sao cũng vẫn còn đường sống ở cuối đường hầm. Ngược lại, những ý kiến ủng hộ việc “miễn” tử hình này cho rằng, đấu tranh với tội phạm tham nhũng, quan trọng là thu hồi được tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, còn có tử hình nhiều người phạm tội thì cũng không vì thế mà loại tội phạm này giảm đi.
Từ những ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật đã được điều chỉnh lần chót là quy định mức khắc phục hậu quả là nộp lại ít nhất ¾ tài sản phạm tội để được miễn hình phạt tử hình. Cơ quan giải trình cho biết, Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về vấn đề này, kết quả, đa số đại biểu tán thành quy định này.
Trước khi biểu quyết chung về toàn bộ Bộ luật, Quốc hội cũng biểu quyết riêng về Điều 40. Đây là nội dung nhận được ít sự ủng hộ nhất. Có 342/429 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành với quy định này (tương đương 69,23% tổng số đại biểu Quốc hội) trong khi tất cả các nội dung khác đều nhận từ 80-86% “phiếu thuận”. Nhưng hơn 69% vẫn thừa điều kiện để điều luật được thông qua.
Một nội dung khác được UB Thường vụ Quốc hội giải trình cặn kẽ là về việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội. UB Thường vụ Quốc hội cho biết, ban đầu dự kiến đề bỏ hình phạt tử hình ở 9 tội danh. Qua thảo luận tại tổ và hội trường, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc giảm hình phạt tử hình là cần thiết nhưng chỉ xem xét bỏ tử hình ở 7 tội danh trong lần sửa luật này (cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy).
Trong số các tội danh này, một số đại biểu không tán thành hoặc đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình ở Tội cướp tài sản và Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
UB Thường vụ Quốc hội giải trình, với tội “cướp tài sản”, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về tội “cướp tài sản” và tội “giết người” (đã có hình phạt tử hình).
Đối với tội “phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, nếu không có mục đích chống chính quyền thì việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm. Trường hợp phạm tội có mục đích chống chính quyền thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114); nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu về tội “khủng bố” (Điều 299). Các tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đều có hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, không nhất thiết phải giữ hình phạt tử hình ở Điều 168 và Điều 303.
Bộ luật Hình sự mới sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.
ST - dantri.com.vn
Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015
- Blogger Comments
- Facebook Comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét