DI DÂN TRUNG HOA (A)
Thiên di là sự kiện lớn trong đời người, và là hiện tượng tất yếu trong lịch sử phát triển của nhân loại. Riêng ở Trung Hoa, hơn 4.000 năm qua, vì nhiều lý do, lớp lớp người Tàu đã phải chấp nhận tha hương để mưu cầu hạnh phúc.
Lịch sử Trung Hoa từng có nhiều cuộc thiên di quy mô. Xuyên suốt từ Tiên Tần cho đến cận đại, những làn sóng dịch chuyển dân cư của Trung Hoa đã gây xáo trộn lớn cũng như tạo ra những thúc đẩy kinh tế, giao thoa văn hóa ở các khu vực mà chúng hướng tới.
Thời xa xưa ấy, có nhiều nguyên nhân khiến dân Tàu phải lựa chọn thiên di: vì chính trị, kinh tế, quân sự, thiên tai, và cả lý do tín ngưỡng. Tình trạng thiên di thường cực kỳ phức tạp, mỗi thời kỳ có những đặc trưng riêng, với khuynh hướng, quy mô, cự ly, và hình thức khác nhau.
1- THỜI TIÊN TẦN
Truyền thuyết về giai đoạn huyền sử Tam đại (Hạ-Thương-Chu) phản ánh những cuộc di cư lớn của các bộ lạc. Trận chiến khốc liệt ở Trác Lộc[1] cho thấy tính chất quan trọng của sự thiên di thời thượng cổ: tìm đất sống cho thị tộc mình.
Thời Thương Chu, khu vực hạ du Hoàng hà do Hoa tộc làm chủ, xen lẫn vào đó là các tộc Nhung Địch. Tộc Hoa lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế, trong khi Nhung Địch chủ yếu sinh sống bằng săn bắn, và mâu thuẫn xảy ra: những cuộc di cư của Hoa tộc đã thu hẹp dần đất sống của Nhung Địch. Theo kết quả những khai quật di chỉ Tam đại, Trung cộng tổng kết: trong hơn 380 năm, từ nhà Thương lập quốc (1766 trCn) đến khi Bàn Canh dời sang Bắc Mông để thành nhà Ân (khoảng 1384 trCn), Hoa tộc đã có 13 cuộc di dân xuống hạ du Hoàng hà. Tuy khảo cổ học, cũng giống như tất cả các bộ môn khoa học khác của cộng, đều bất khả tín, bởi chúng phải tuân theo định hướng và điều phối của đảng[2], ở đây có thể rút ra nhận định chung là: vào giai đoạn trên, Hoa tộc từng có nhiều cuộc thiên di rầm rộ, làm đất sống của Di Địch ở khu vực hạ du Hoàng hà bị thu hẹp dần.
Cuối đời Hạ, để thoát khỏi sự cai trị hà khắc của bạo Kiệt, Tôn Công Lưu thống lãnh thị tộc mình làm cuộc thiên di đến đất Bân[3] (nay là Ninh huyện, thuộc thành phố Khánh Dương tỉnh Cam Túc) để khai phá đất đai[4]. Cuộc thiên di này tạo dựng địa bàn vững chắc cho nhà Chu phát tích sau đó.
Nhà Chu (1122-249 trCn) sau khi diệt Ân Thương, đã tiến hành chính sách “phong phiên vệ quốc”: phân chia đất đai cho chư hầu để hình thành phên giậu bảo vệ cho mình. Chỉ trong giai đoạn sơ kỳ, Tây Chu đã cắt đất cho các chư hầu có công, hình thành 71 thuộc quốc (sau này đến Đông Chu lại tiếp tục phân ra nữa, thành hơn trăm chư hầu). Các chư hầu lục đục định đất dời đô, khiến bản đồ Hoa Hạ lúc bấy giờ như bàn cờ đang phải xóa đi bày lại nhiều lần. Đây là trận thiên di đầu tiên trong lịch sử (thành văn) của Trung Hoa, với mục đích phân bố lại nhân khẩu. Từ những cuộc dời đổi này, ý thức của Hoa tộc bắt đầu mở rộng, vượt ra ngoài vương quốc của mình[5].
Thời kỳ Xuân Thu (722-481 trCn), các sắc tộc thiểu số thâm nhập vào địa bàn cư dân Hoa Hạ sinh sống, phá vỡ những giới hạn lãnh địa của các sắc tộc. Đáp lại, Hoa tộc cũng tản cư ra các vùng Di Địch, hình thành thế cài răng lược, tạo điều kiện giao thoa văn hóa, và cả hòa huyết cho Hoa với Di Địch.
Sang thời Chiến quốc (khoảng cuối thế kỷ V đến năm 221 trCn), dân Tàu nhanh chóng lan tỏa ra chung quanh. Lúc này, Hoa tộc có 20 triệu người, sinh sống trên địa bàn rộng lớn: phía đông giáp tới biển; tây chiếm Cam Túc, Tứ Xuyên và phía bắc của Thiểm Tây; phía tây tới Hồ Nam; phía nam lấn đến dãy Lĩnh Nam; bắc tới dãy Âm sơn, hạ du Liêu hà của Nội Mông, và bán đảo Liêu Đông.
2- TỪ TẦN ĐẾN MINH-THANH
Năm 221 trước công nguyên, Tần thống nhất Trung Hoa, định đô ở Hàm Dương. Lập tức có hơn 10 vạn hộ hào phú dời đến Hàm Dương lập nghiệp, nâng dân số đế đô lên hơn 700.000 người[6], cuộc di cư này là nhằm lợi ích kinh tế.
Còn trước đó, vào 218 trước công nguyên, Doanh Chính đã phái đại tướng Mông Điềm cầm 300.000 quân chinh phạt Hà Sáo[7], đánh đuổi Hung Nô, Khương Địch ra khỏi các đồng cỏ của họ. Năm 215 trCn, việc bình định xong xuôi, Tần đặt khu vực rộng lớn này thành hai quận, Vân Trung và Cửu Nguyên (gồm 34 huyện). Đến 211 trCn, Doanh Chính cho dời 3 vạn hộ tới Hà Bắc và huyện Du Trung (tỉnh Cam Túc) để khai khẩn ruộng nương và trấn giữ biên cương. Về phía nam, năm 214 trCn, Tần phái quân chinh phục Bách Việt[8], lập ra ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, rồi dời 500.000 dân qua đó sống chen với các giống Bách Việt. Hai cuộc di dân cưỡng bách này mang ý nghĩa quân sự: để củng cố, ổn định biên cương.
Đời Tây Hán, ngay sau những chiến thắng từng bước đẩy lùi Hung Nô, Lưu Triệt (Hán Võ đế, tại vị 141-87 trCn) di dân hơn 700.000 người đến cương vực tây bắc.
Đến Đông Hán, năm 48 sau Công nguyên, Hung Nô tách làm hai bộ phận nam bắc. Lưu Tú (Hán Quang Võ) chấp thuận cho Nam thiền vu quy phụ, giao lực lượng này trấn nhậm 8 quận trọng yếu là: Bắc Địa (nay thuộc Cam Túc), Sóc Phương, Ngũ Nguyên, Vân Trung, Tây Hà (Nội Mông), Định Tương, Nhạn Môn (Sơn Tây), Đại (Hà Bắc). Biên cương tây bắc của Hán nhờ vậy trở nên yên ổn, còn bắc Hung Nô phải dạt sang châu Âu và trở thành người Hung (Huns).
Từ đó, các sắc tộc thiểu số ở biên cương tây bắc rủ nhau thiên di vào nội địa Trung Hoa. Đến Nam Bắc triều (220-589), các sắc tộc này – chủ yếu là Hung Nô, Tiên Ty, Yết, Để, Khương – dần trở nên hùng mạnh, và khi triều Tấn suy yếu thì gây nên đại họa “Ngũ Hồ loạn Hoa”. Trái ngược hẳn truyền thống nồng nàn yêu nước của con Hồng cháu Lạc, bọn Viêm Hoàng tử tôn hễ xảy ra đại loạn là quần chúng nhân dân lánh luôn cho lành, chẳng hơi đâu bảo vệ chế độ. Tính đến cuối Nam Bắc triều, có hơn 700.000 người tản cư xuống hạ du Trường giang[9], trong đó đông nhất là kéo đến Giang Tô (260.000).
Thời Đường, triều đại cường thịnh rực rỡ nhất về mọi mặt, mà nhiều lưu dân Tàu sau này sẽ tự hào mình thuộc về, với danh xưng “Đường nhân”, cũng chẳng mấy khi yên bình. Năm 618, Lý Uyên thành lập Đế quốc Đại Đường. Nhiều thần tử Trung Hoa trước đó phải chạy lên biên địa phía bắc, nay lũ lượt bồng bế nhau về. Để rồi đến cuộc biến loạn do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu, chỉ trong vòng 8 năm (755-763), cả lưu vực Hoàng hà: Quan Trung, Sơn Đông, Hồ Bắc, Hà Nam, ngàn dặm tan hoang không còn lấy một bóng người, những ai sống sót đều tháo chạy xuống phương nam. Nếu năm 755, dân số toàn Đại Đường là 52.880.488 người, thì đến năm 764 chỉ còn lại chưa đầy 1/3: 16.900.000[10].
Triều Tống cũng chẳng huy hoàng được bao lâu. Đời Triệu Cát (Tống Huy tông), niên hiệu Tĩnh Khang, chỉ trong hai năm 1126-27, quân Kim hai phen nam hạ thẳng đến Khai Phong như chỗ không người, bắt cả cha con Cát và Hoàn (Huy tông và Khâm tông). Sự biến này được xem là nhục nhã nhất lịch sử Trung Hoa. Và 5 triệu dân Tống đã tự động tản cư, không cần đợi triều đình phát động “thanh dã”; ở chiều ngược lại, hàng đoàn người Nữ Chân, Mông Cổ lũ lượt theo chân đại quân kéo đến định cư trên đất Tống.
Định mệnh trớ trêu, những kẻ chinh phục lại trở thành người bị chinh phục: sau khi nhà Nguyên nhất thống chưa đầy trăm năm, toàn bộ số ngoại tộc nhập Hoa trên đều bị đồng hóa, Hán hơn cả Hán.
Theo Minh sử, nhà Minh có hơn 10 lượt di dân quy mô, dưới hai triều Chu Nguyên Chương (Minh Thái tổ) và Chu Đệ (Minh Thành tổ). Năm 1371, dời tổng cộng 67.000 hộ để khẩn hoang lập ấp. 1376, dời những kẻ bần cùng ở Sơn Tây và Hà Bắc khai thác phủ Phụng Dương (nay thuộc thành phố Trừ Châu tỉnh An Huy). 1403-04, hai lần di dời hơn 30.000 hộ dân cư Giang Tô, Chiết Giang tới Bắc Kinh, để bổ sung... phu khuân vác cho kinh sư. Về mặt quân sự, niên hiệu Hồng Võ (1368-99), dời hơn 1 triệu người (bao gồm quân nhân và gia quyến) ra trấn thủ Vân Nam.
Triều Mãn Thanh, do thiên tai nhân họa khiến dân số Tứ Xuyên sụt giảm, từ 118.000 hộ xuống còn chưa đến 90.000 người (1685). Nhà Thanh liên tục di dân điều tiết bổ sung, và mãi 150 năm sau, đến 1840, dân số cả tỉnh Tứ Xuyên cũng chỉ được 3.833.000 người.
Đồng thời, do quá nhiều kẻ đào thoát chế độ, thiên di ra biên cương hải đảo để không phải chịu sự kiểm soát của chính quyền, Thanh triều ra lệnh nghiêm cấm dân chúng dời đến Đài Loan. Khi phải tháo bỏ lệnh cấm để phát triển thì chỉ trong vòng 25 năm (1795-1820), dân số Đài Loan từ 230.000 tăng đến gần 2.000.000, đa số là người Mân Việt[11].
Ngoài ra, kể từ 1668, triều đình liên tục thi hành khẩn hoang, dành nhiều ưu đãi cho người đi khai phá Liêu Đông, nhưng cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, vùng Hắc Long Giang, Cát Lâm vẫn quạnh quẽ thưa vắng bóng người.
Những lớp người Trung Hoa cứ thế theo xô đẩy của thời cuộc, tràn ra khắp nơi để sinh cơ lập nghiệp. Và trên đây chỉ là những cuộc thiên di trong nội địa, công cuộc thiên di hải ngoại để những thần tử Trung Hoa trở thành “Hải ngoại Hoa nhân” sẽ được trình bày ở Phần B.
_______
[1] Bộ tộc của thủ lĩnh Thần Nông đang cư trú ở Khương Thủy (nay thuộc Thiểm Tây) thì bị bộ tộc Cửu Lê do Xuy Vưu lãnh đạo, tấn công. Thần Nông kéo tàn quân đến Trác Lộc (Hà Bắc) cầu cứu Hoàng đế. Một trận huyết chiến đã xảy ra, kết quả là Xuy Vưu đại bại. Hai bộ tộc của Hoàng đế và Thần Nông từ đó kết hợp với nhau, người ta cho đây là khởi nguồn tạo ra tộc Hán. Và Trung cộng, nhằm tiện gom dân chúng vào sự khống chế của mình, đã lợi dụng chiêu bài “Viêm Hoàng tử tôn” (con cháu của Viêm Hoàng – “Viêm” tức Viêm đế, tên gọi khác của Thần Nông) đó để tập họp lực lượng quanh mình. Thông thường, người Tàu vẫn nhận mình là “Thoòng dzành” (Đường nhân), nhưng đa số dân đại lục thích nổ-xuyên-thời-không, thường khoe khoang mình là “Viêm Hoàng tử tôn”; gặp khi tranh luận mà tới nước chúng lôi Viêm Hoàng tử tôn ra làm hậu thuẫn thì khôn hồn nên ngưng là vừa.
Và huyền sử Bắc Việt cũng bắt đầu từ sự kết hợp giữa hai bộ tộc Âu và Lạc, bọn này cũng thích nhận mình là con rồng cháu tiên; đó có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?
[2] Đơn cử: Dự án xác định niên đại Hạ Thương Chu (夏商周斷代工程), một dự án đa ngành của Trung cộng, quy tụ chuyên gia của các bộ môn khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, tiến hành vào năm 1996 để xác định địa điểm và niên đại của Tam đại (Hạ-Thương-Chu). Ngay từ tên gọi đã cho thấy người ta xác định Tam đại là có thực trước khi tiến hành dự án.
[3] Bân 豳, thường được ta phiên âm thành Mân.
[4] Theo Sử Ký – Bản kỷ nhà Chu.
[5] Nên mới có chuyện như Ngũ Tử Tư vốn làm Đại phu của Sở, sau đó lại bỏ sang Ngô làm Tướng quốc, dẫn quân trở lại đánh bại Sở mà không hề bị xem là “phản quốc”.
[6] Từ thời Cơ Tĩnh (Chu Tuyên vương) trị vì (841-782 trCn), các vương triều thường xuyên tiến hành thống kê, tổng dân số Tàu năm 210 trCn khoảng 30 triệu.
[7] Thượng du Hoàng hà, đoạn từ phía bắc Khu tự trị dân tộc Hồi (Ninh Hạ) tới Khu tự trị Nội Mông thì uốn cong lại, khu vực vòng cung đó được gọi Hà Sáo.
[8] Bách Việt: cùng hiện hữu song song với Hoa tộc, ở về phía nam là các tộc khác, được gọi chung Việt tộc, phân bố khắp vùng Lĩnh Nam. Do quá nhiều bộ tộc, nên Tàu gọi chung họ là Bách Việt. Âu Việt và Lạc Việt là hai trong số hàng trăm thị tộc đó. Nhưng sau này, Giao Chỉ sẽ dùng danh từ chung Bách Việt như danh từ để riêng chỉ tộc mình (thơ Phan Bội Châu: “Thương ôi Bách Việt giang san/ Văn minh đã sẵn khôn ngoan có thừa” – Á Tế Á ca). Khái niệm giãn nở này mang lại khoái cảm lớn cho tự hào dân tộc, và tất nhiên chỉ được rao giảng bên trong lũy tre của Giao Chỉ để chúng tự thấm thía với nhau; thông tin thuộc hàng cơ mật trọng yếu quốc gia này không được khuyến khích phát tán ra thế giới bên ngoài.
[9] Tổng dân số cả Đông và Tây Tấn vào năm 548 ước 42.000.000.
[10] Số liệu của “Thông điển”, thiên Thực hóa 7.
[11] Tức người Phúc Kiến, một chi lớn của Bách Việt.
Và huyền sử Bắc Việt cũng bắt đầu từ sự kết hợp giữa hai bộ tộc Âu và Lạc, bọn này cũng thích nhận mình là con rồng cháu tiên; đó có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?
[2] Đơn cử: Dự án xác định niên đại Hạ Thương Chu (夏商周斷代工程), một dự án đa ngành của Trung cộng, quy tụ chuyên gia của các bộ môn khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, tiến hành vào năm 1996 để xác định địa điểm và niên đại của Tam đại (Hạ-Thương-Chu). Ngay từ tên gọi đã cho thấy người ta xác định Tam đại là có thực trước khi tiến hành dự án.
[3] Bân 豳, thường được ta phiên âm thành Mân.
[4] Theo Sử Ký – Bản kỷ nhà Chu.
[5] Nên mới có chuyện như Ngũ Tử Tư vốn làm Đại phu của Sở, sau đó lại bỏ sang Ngô làm Tướng quốc, dẫn quân trở lại đánh bại Sở mà không hề bị xem là “phản quốc”.
[6] Từ thời Cơ Tĩnh (Chu Tuyên vương) trị vì (841-782 trCn), các vương triều thường xuyên tiến hành thống kê, tổng dân số Tàu năm 210 trCn khoảng 30 triệu.
[7] Thượng du Hoàng hà, đoạn từ phía bắc Khu tự trị dân tộc Hồi (Ninh Hạ) tới Khu tự trị Nội Mông thì uốn cong lại, khu vực vòng cung đó được gọi Hà Sáo.
[8] Bách Việt: cùng hiện hữu song song với Hoa tộc, ở về phía nam là các tộc khác, được gọi chung Việt tộc, phân bố khắp vùng Lĩnh Nam. Do quá nhiều bộ tộc, nên Tàu gọi chung họ là Bách Việt. Âu Việt và Lạc Việt là hai trong số hàng trăm thị tộc đó. Nhưng sau này, Giao Chỉ sẽ dùng danh từ chung Bách Việt như danh từ để riêng chỉ tộc mình (thơ Phan Bội Châu: “Thương ôi Bách Việt giang san/ Văn minh đã sẵn khôn ngoan có thừa” – Á Tế Á ca). Khái niệm giãn nở này mang lại khoái cảm lớn cho tự hào dân tộc, và tất nhiên chỉ được rao giảng bên trong lũy tre của Giao Chỉ để chúng tự thấm thía với nhau; thông tin thuộc hàng cơ mật trọng yếu quốc gia này không được khuyến khích phát tán ra thế giới bên ngoài.
[9] Tổng dân số cả Đông và Tây Tấn vào năm 548 ước 42.000.000.
[10] Số liệu của “Thông điển”, thiên Thực hóa 7.
[11] Tức người Phúc Kiến, một chi lớn của Bách Việt.
ST facebook - Vinhhuy Le
0 nhận xét:
Đăng nhận xét