Review sách "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh"
Ai từng sống qua những ngày tháng đói khổ nhất của đất nước, thời mà gạch vụn bom Mỹ vẫn còn đang vương vãi trên phố Khâm Thiên, cả dân tộc lại lao vào cuộc chiến tranh trên 2 mặt trận đều thấm nỗi tủi nhục nghèo hèn.
Khi đó, khối SEV là nguồn viện trợ duy nhất của Việt Nam, hàng năm cấp tiền mặt và tín dụng để cân bằng cán cân thương mại. Việt Nam khi đó không có gì để bán cả, nhưng cần muôn vàn hàng hoá, và khi khối Đông Âu bước vào thời kỳ sụp đổ, viện trợ bị cắt đột ngột và lượng ngoại tệ dự trữ nhiều khi không đủ để nhập cả hàng hoá thiết yếu.
Vào chính lúc cam go đó, câu nói "phi thương bất phú" một lần nữa được hàng triệu người Việt Nam dùng làm kim chỉ nam, cả nước hừng hực khí thế buôn bán, trao đổi hàng hoá để thoát đói và làm giàu, cho dù khi ấy việc này vẫn còn là phạm pháp, đây chính là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt cho Đổi Mới.
Giới thương nhân, một thời bị gọi bằng cái tên con buôn theo í miệt thị, nhưng thực tế luôn là lực lượng năng động, nhạy bén nhất của quốc gia, họ chính là những nhát búa đầu tiên đập tan sự kiềm toả giữa Việt Nam và khối tư bản giãy chết nhân danh í thức hệ vào những năm tháng cuối bao cấp, khi người Việt Nam được nhìn ngắm tận mắt những chiếc xe đạp Nhật bãi, tivi màu của dân thuỷ thủ Hải Phòng mang về sau những chuyến viễn dương, hoá ra, bọn tư bản và hàng hoá của chúng cũng không đến mức tệ lắm.
Người Bắc Hà vốn cực giỏi buôn bán, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng... đều là những vùng đất sản sinh ra những dân buôn kiệt xuất, nhiều người sau năm 75 tìm cơ hội mới ở phương Nam, với bản chất tiết kiệm, chi tiêu tính toán và dám xông pha, không ít người trong số đó ngày nay đã trở thành những doanh nhân sở hĩu những doanh nghiệp ngoại thương tầm cỡ.
Câu chuyện về ông vua xuất khẩu nông sản Phan Minh Thông, CEO công ty Phúc Sinh là ví dụ về sự thành công của một người trong số ấy.
Vào Nam lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng cùng một chút vốn liếng tiếng Anh và khí chất Hải Phòng, ông đã xây dựng công ty trở thành nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam, lượng hàng xuất khẩu của Phúc Sinh hàng năm còn lớn hơn kim ngạch xuất khẩu của một số tỉnh thành, đủ nói lên rằng ông là còn người của hành động thực sự, chứ không phải là dân triết lý suông.
Mới đây, vị CEO này đã cho ra mắt cuốn sách "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh", bao gồm những tản văn viết dưới dạng tự truyện, kể về những thương vụ đáng nhớ cùng những thăng trầm trong cuộc đời doanh nhân thuộc thế hệ đầu tiên sau hội nhập.
Sach không màu mè bằng cách lập loè câu chữ, từng mẩu chuyện đều đi thẳng vào vấn đề và kết thúc bằng những chiêm nghiệm, nhắc nhở đáng suy ngẫm. Từ hạt tiêu ở Việt Nam, đến cà phê ở Ý, hay toilet ở Thuỵ Sĩ, đều được ông zoom vào một cách rất thú vị bằng con mắt của một người lăn lộn cả chục năm trên thương trường quốc tế.
Xơ nghĩ, lợi ích lớn nhất của việc đọc sách viết bởi những doanh nhân lớn không nằm ở chỗ học hỏi được kinh nghiệm - thứ vốn luôn biến đổi theo thời gian, mà là hấp thụ được năng lượng tích cực họ toả ra, giúp ta có thể đo thử khoảng cách thực sự giữa ta và họ.
Đối với những người mới bước chân vào khởi nghiệp, nếu chỉ nhìn vào thành công hiện tại của những đại gia, sẽ rất dễ nản lòng hoặc ảo tưởng, lạc chân. Cuốn sách sẽ phần nào giúp họ có cơ sở để tham chiếu tốt hơn.
Ít nhất cuốn sách đã làm rõ một điều mà nhiều người vẫn trăn trở đặt câu hỏi từ lâu, đó là nông nghiệp, nông sản, khi được làm đúng cách, hoàn toàn có thể là một ngành làm giàu mau chóng và vững bền cho đất nước.
Sách được bán với giá 96.000 đồng tại tất cả các nhà sách trên toàn quốc.
Nguyen Thi Thao
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2664257990465898&set=a.1392260814332295.1073741829.100006451695066&type=3&theater
0 nhận xét:
Đăng nhận xét